Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt của BĐS Phát Đạt đã làm gì để thành công ở ngành vận tải biển?

61

Ông Nguyễn Văn Ðạt, Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt.

(NCĐT) – Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt của BĐS Phát Đạt đã làm gì để thành công ở ngành vận tải biển?

Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt của BĐS Phát Đạt đã làm gì để thành công ở ngành vận tải biển?

Sau kinh doanh thuốc lá, buôn xe và nhà đất, chủ tịch Nguyễn Văn Đạt của công ty bất động sản phát đạt tiếp tục bước vào một lĩnh vực mới: vận tải biển. “Trường Phát Lộc Shipping là công ty của gia đình chúng tôi”, đó là lời chốt trong bài phát biểu của ông Đạt trước gần 1.000 người tại khách sạn Equatorial vào dịp kỷ niệm 5 năm Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc (TPL Shipping). Từng là 1 trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2010 với lĩnh vực kinh doanh nhà đất, ông đã khiến không ít người tò mò khi bất ngờ “nhảy ngành”. Tại TPL Shipping, ông Đạt là cố vấn Hội đồng Quản trị; còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, giữ vị trí Chủ tịch.

Phải lâu lắm rồi ông Đạt mới đóng vai chủ nhà trong một buổi tiệc lớn như vậy, ít nhất là đối với người viết. Lần gần nhất có lẽ là sự kiện ra mắt dự án The Everich 2 vào năm 2010. Tuy nhiên, cũng kể từ thời điểm này, thị trường bất động sản xuống dốc khiến Phát Đạt cũng không còn tạo được dấu ấn nổi bật trên thị trường.

Quay lại câu chuyện nghề mới của ông Đạt. Thực ra, việc ông bước vào lĩnh vực vận tải biển cũng không phải quá bất ngờ. Gần 3 năm trước, trong một buổi trao đổi với NCÐT, ông Đạt cũng đã tiết lộ việc bước sang kinh doanh đa ngành để tìm cơ hội mới. Ngoài vận tải biển, lúc đó ông Đạt cũng cho biết sẽ phát triển lĩnh vực nông nghiệp mà cụ thể là trồng cao su.

Vận tải biển tuy không mới, nhưng con số mà ông Đạt cho biết trong sự kiện tại khách sạn Equatorial lại khá thú vị. Theo đó, năm 2014, TPL Shipping đạt khoảng 684 tỉ đồng doanh thu và hơn 100 tỉ đồng lợi nhuận. Kết quả này, nếu nhìn nhận trong bối cảnh ngành vận tải biển đang phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt và nhiều doanh nghiệp liên tục thua lỗ, rõ ràng là đặc biệt.

Tại Việt Nam, hơn 5 năm sau khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, ngành hàng hải vẫn tiếp tục trượt dài. Nhiều công ty vận tải biển đã phải hủy niêm yết, như Công ty Cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải hay Công ty Cổ phần Vận tải Vinaconex vì lỗ 3 năm liên tiếp. Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, một doanh nghiệp sở hữu đội tàu lớn của Việt Nam có thể cũng sẽ nằm trong danh sách trên nếu trong thời gian tới không bán được tàu. Tương tự, lợi nhuận của một số công ty vận tải biển trong quý III/2014 dù có cải thiện, nhưng tất cả đều nhờ vào việc thanh lý tài sản và bán tàu.

“Trường Phát Lộc cũng từng khởi đầu rất khó khăn. 4 năm trước (2009-2013) chúng tôi cũng lỗ ít nhất 100 tỉ đồng”, ông Đạt nhớ lại.

Chủ tịch Phát Ðạt kể lại rằng, vào thời điểm mới thành lập, TPL Shipping chỉ quản lý một chiếc tàu chở dầu DONG A STAR, trọng tải 8.386 tấn, chuyên vận tải dầu sản phẩm hoạt động ở khu vực nội địa Việt Nam và Đông Nam Á. Thế nhưng, sau hơn một năm hoạt động, ông nhận thấy hiệu quả vận tải dầu sản phẩm trong khu vực Đông Nam Á không đạt như kỳ vọng do cạnh tranh không lành mạnh và kích cỡ tàu chưa phù hợp với yếu tố khai thác của Công ty. Thế là, TPL Shipping quyết định bán DONG A STAR để chuyển sang đầu tư đội tàu chở hóa chất chuyên dụng. Những tàu này có trọng tải lớn, hầm hàng thép không gỉ, có thể chở được hàng trăm loại hóa chất khác nhau.

Năm 2011, những chiếc tàu mang tên EverRich 1, EverRich 2, EverRich 6, EverRich 8 đã được TPL Shipping lần lượt nhập về. Hiện tại, Công ty sở hữu đội tàu mang tên EverRich gồm 6 chiếc với tổng trọng tải 130.000 tấn, trong đó có tàu EverRich 8 có trọng tải đến 50.000 tấn và là tàu chở khí hóa lỏng có trọng tải lớn nhất Việt Nam hiện nay. Vùng hoạt động của đội tàu TPL Shipping cũng mở rộng ra từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan sang đến Ấn Độ và Trung Đông.

Theo ông Đạt, khó khăn lớn nhất là quá trình tìm khách hàng khi chưa ai biết đến tên tuổi của Công ty. Phải mất hơn 3 năm, TPL Shipping mới dần có lượng khách ổn định. Đặc biệt, việc mở rộng khai thác vận chuyển các loại hóa chất, nhất là khí hóa lỏng có giá cước vận tải cao chính là yếu tố mang lại hiệu quả kinh doanh tốt cho TPL Shipping trong năm 2014.

“Khí hóa lỏng mà TPL Shipping tham gia là một lĩnh vực rất tiềm năng, bởi nhu cầu vận chuyển mặt hàng này trên thế giới rất cao. Chỉ tính riêng các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Nhật thì lượng khí hóa lỏng cần vận chuyển đến năm 2018 sẽ là 40 triệu tấn”, ông Mark Thomas, Tổng Giám đốc Standard Maritime (Singapore) nhận định.

Tại Việt Nam, theo báo cáo vừa qua về tình hình vận tải biển của Cục Hàng hải Việt Nam, đến ngày 30.6.2014, Việt Nam có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích là 4,3 triệu GT. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 9 tàu chở khí hóa lỏng. Chuyên chở khí hóa lỏng cũng là ngành chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh.

Thế nên, mặc dù chỉ mới bắt đầu có kết quả thuận lợi nhưng ông Đạt đã rất táo bạo khi đặt ra mục tiêu kinh doanh cho TPL Shipping trong những năm tiếp theo.

“Năm 2015, chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận của TPL Shipping từ 400-500 tỉ đồng; mua thêm 2-4 con tàu trị giá khoảng 50-80 triệu USD/con. Cuối năm 2016, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Năm 2017 sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM. Khi ấy, chúng tôi kỳ vọng TPL Shipping sẽ là doanh nghiệp cổ phần vận tải khí hóa lỏng, hóa chất lớn nhất Việt Nam”, ông Đạt mạnh dạn chia sẻ.

Ðể thực hiện mục tiêu này, theo đại diện TPL Shipping, từ nay đến năm 2017, dự kiến Công ty sẽ nâng đội tàu lên 15 chiếc với tổng trọng tải hơn 240.000 tấn tàu hóa chất và tổng dung tích 150.000 m3 khí hóa lỏng.

“Khó khăn đã qua, Trường Phát Lộc bây giờ đã tìm được “la bàn” để ra biển lớn. TPL sắp tới sẽ cạnh tranh với các tên tuổi lớn trong ngành ở sân chơi châu lục và thế giới”, ông Đạt nhận định.

Về những khó khăn hiện tại, ông Đạt cho rằng TPL Shipping sẽ gặp phải rủi ro đặc trưng của ngành như thiên tai, cướp biển, tai nạn… có thể xảy ra bất cứ lúc nào; cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn lớn để Công ty có thể phát triển mạnh đội tàu trong thời gian tới. Ðể đề phòng những tình huống nguy hiểm trên biển, TPL Shipping luôn chuẩn bị các biện pháp an ninh, bảo hiểm 100% từ hàng hóa đến đội tàu và con người.

Trong khi đó, mặc dù không chia sẻ cụ thể phương án tài chính nhưng ông Đạt cho rằng, Công ty đã chứng minh được sự làm ăn hiệu quả nên không phải quá lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, có một chi tiết thú vị là tại buổi sự kiện vừa qua, ông Đạt đã ít nhất 2 lần nhắc đến sự hậu thuẫn và ủng hộ rất lớn từ ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á trong thành công của TPL Shipping.

Công ty Bất động sản Phát Đạt - Một trong những thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành bất động sản
Công ty Bất động sản Phát Đạt – Một trong những thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành bất động sản

Hãy trở lại với bất động sản. Giai đoạn 2009-2013, thị trường bất động sản khủng hoảng, Công ty Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, doanh thu của PDR đạt 39,6 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ có 3,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2014, ông Ðạt cho biết doanh thu dự kiến sẽ đạt 356,9 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỉ đồng. Ðặc biệt, kế hoạch PDR đặt ra cho năm 2015 sẽ là 300 tỉ đồng lợi nhuận. Dường như, mảng bất động sản của ông Đạt đang hưởng chung “vận đỏ” với TPL Shipping, dù thị trường nhà đất vẫn chưa hết khó khăn.

Nhớ lại 3 năm trước (2011), khi đang là người giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán, ông Đạt đã từng nói với người viết rằng mục tiêu của ông là vươn lên top 3 trong 5 năm tới (2016). Thời điểm đó tuy vẫn chưa tới, nhưng có lẽ vị doanh nhân này sẽ phải chờ thêm một năm cho mục tiêu này, bởi đến năm 2017 TPL mới có kế hoạch lên sàn.