Doanh Nhân Vũ Đình Hoà Cân Bằng Giữa Lợi Nhuận Và Lý Tưởng

44

(DĐDN) – Quảng Ngãi – một mảnh đất địa linh nhân kiệt miền Trung, thế hệ nào cũng có những anh hùng, hào kiệt. Người Quảng Ngãi xưa kia thường tự hào về những danh nhân, danh tướng thì ngày nay lại thêm tự hào về những người con xa quê thành danh trong lĩnh vực kinh doanh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Doanh nhân Vũ Đình Hòa - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Văn hóa Văn Lang

Doanh nhân Vũ Đình Hòa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Văn hóa Văn Lang

Ông Vũ Đình Hòa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Văn hóa Văn Lang, một người Quảng Ngãi “thứ thiệt”, được hun đúc bởi hào khí núi Ấn sông Trà, với phẩm chất dám nghĩ – dám làm, đã tạo dựng một cơ ngơi đồ sộ trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa từ hai bàn tay trắng. DĐdoanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện cùng vị doanh nhân này.

“Trở ngại từ… cám dỗ của lợi nhuận”
– Với cá nhân ông, trong quá trình kinh doanh, ông thường phải đối mặt với trở ngại nào là lớn nhất ?
Là doanh nhân thì mục tiêu trước mắt là phải có lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Nhưng nếu đặt nặng hoặc quá theo đuổi, bị cám dỗ bởi mục tiêu lợi nhuận thì sẽ dễ bị sa vào cạnh tranh không lành mạnh, xa rời những mục tiêu đã xác định từ ngày đầu lập nghiệp, không chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thiếu gắn kết với cộng đồng… Do vậy, doanh nhân phải tự điều chỉnh liên tục các hoạt động của mình để cân bằng giữa lợi nhuận và mục tiêu lý tưởng. Đây thực sự là một trở ngại không nhỏ với bất kỳ ai.
– Kinh doanh liên kết xuất bản sách, văn hóa phẩm đã được nhà nước xã hội hóa và mở rộng cửa. Tuy nhiên, kèm theo cũng có rất nhiều khó khăn. Đâu là những rào cản khiến các doanh nghiệp ngành này khó phát triển vào thời điểm hiện nay, thưa ông ?

Giai đoạn hiện nay, khó khăn lớn nhất là tình trạng giảm cầu do tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, người dân phải tiết kiệm chi tiêu, dành ưu tiên cho những nhu cầu cấp thiết như cái ăn cái mặc rồi mới đến sách vở… Mặt khác, internet ngày càng phát triển, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, dễ dàng tiếp cận tri thức qua mạng, do vậy việc kinh doanh sách in có xu hướng ngày càng khó hơn. Thêm nữa, giá cả vật tư trong ngành in, nhất là giấy, luôn theo hướng biến động tăng, kéo theo việc tăng giá thành xuất bản phẩm cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua trên thị trường.

Doanh nhân Vũ Đình Hòa - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Văn hóa Văn Lang
Doanh nhân Vũ Đình Hòa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Văn hóa Văn Lang cùng vợ là bà Kiều Minh Phụng

Do vậy, những năm gần đây không ít đơn vị trong ngành xuất bản không trụ nổi hoặc phải chuyển hướng kinh doanh, riêng Văn Lang vẫn đứng vững và phát triển nhờ triển khai một số các giải pháp mang tính chiến lược.

– Ông có thể chia sẻ về các giải pháp mang tính chiến lược đó ?

Chúng tôi có 4 giải pháp : Về xuất bản, việc chọn lọc bản thảo, tập trung khai thác những mảng sách thuộc về thế mạnh truyền thống của Văn Lang như lịch sử, triết học, tôn giáo, từ điển… là điểm nhấn quan trọng. Về sản xuất, lúc khó khăn chính là lúc phải có những quyết định đầu tư kịp thời, trang bị đồng bộ công nghệ tiên tiến trong các khâu thiết kế, in ấn để hạ giá thành sản phẩm và tăng năng lực cạnh tranh. Về kinh doanh, chúng tôi cũng đẩy mạnh liên kết phát hành cùng các đối tác trên khắp cả nước. Và cuối cùng, khâu nhân sự có vai trò then chốt, chúng tôi đã nỗ lực kiện toàn công tác tổ chức tại tất cả các đơn vị trực thuộc nhằm tinh gọn bộ máy và hoạt động có hiệu quả hơn.

– Và nhờ thế, năm 2012, Văn Lang là một trong hai doanh nghiệp kinh doanh xuất bản lọt vào Top 87 doanh nghiệp tiêu biểu của TP HCM ?

Giữa lúc ngành xuất bản đang lao đao và phải rất vất vả để tồn tại, việc Văn Lang được vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu TP HCM năm 2012 đối với chúng tôi mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước hết, sự kiện này đã nói lên rằng, văn hóa đọc vẫn tồn tại mạnh mẽ nếu chúng ta biết cách làm phong phú thêm giá trị các sản phẩm của nó để tăng sự hấp dẫn và khả năng phổ cập. Đối với Văn Lang, đây là phần thưởng xứng đáng sau bao năm lặng lẽ cống hiến cho văn hóa đọc của đông đảo công chúng nhiều ấn phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực, góp phần làm giàu thêm truyền thống văn hóa Việt.

Thiên thời, địa lợi, và…

– 25 năm trong lĩnh vực kinh doanh không dễ làm và cũng khó đạt siêu lợi nhuận là kinh doanh văn hóa, ông có hài lòng với lựa chọn của mình ?

Như tất cả mọi người, sau khi tốt nghiệp ra trường, ai cũng chọn cho mình một hướng đi, một công việc. Tôi cũng không ngoại lệ. Suốt tuổi trẻ vất vả, tôi đã chọn nhiều nghề, nhiều công việc nhưng không thành công vì không đam mê. Cuối cùng, như một định mệnh, tôi gắn kết với ngành kinh doanh văn hóa, cái nghề khơi dậy cho tôi ký ức cả một thời học văn chương và triết học. Nghề nghiệp đã mang lại cho tôi niềm đam mê, thỏa mãn những khao khát văn chương vốn đã trở thành cái nghiệp. Hơn cả hài lòng, với tôi đó là một cơ duyên.

– Ngoài phẩm chất cá nhân, theo ông, thành công của một nhà kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa còn cần những yếu tố gì ?

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa có lẽ là ba yếu tố mà nếu không hội đủ, bất kỳ nhà kinh doanh trong lĩnh vực nào cũng khó thành công. Văn Lang khởi nghiệp từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, lúc đất nước bắt đầu đổi mới, còn ít người can đảm đầu tư vào ngành sách đang rất khó khăn; Nhờ vậy nên buổi đầu tôi cũng ít bị cạnh tranh. Đó là thiên thời.

Cty Văn Lang hoạt động tại TP HCM, là địa bàn có dân cư đông đúc, thu nhập bình quân đầu người cũng như dân trí khá cao, rất phù hợp cho việc kinh doanh ngành văn hoá. Đó là địa lợi.

Sau 25 năm hoạt động, Văn Lang nay đã thật sự là một doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành văn hóa, có thể đứng vững trước mọi trở ngại, khó khăn cùng những thách thức khác của thời đại.

Ở yếu tố thứ ba – nhân hòa, có lẽ nhờ vào tính cách cá nhân đặt trong tinh thần thượng tôn pháp luật, tôi nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ từ các nhà xuất bản, các cơ quan, ban ngành và chính quyền sở tại. Tôi cũng may mắn có được một đội ngũ cán bộ và nhân viên tận tụy, trung thành và thạo việc. Hạnh phúc nhất là tôi có được một “nội tướng” hết mực đảm đang, thương yêu và luôn động viên, sẻ chia cùng chồng mọi trách nhiệm gia đình, doanh nghiệp và xã hội.

Bà xã tôi cùng các con luôn ủng hộ tôi về các chủ trương đầu tư phát triển Văn Lang, đặc biệt là các quyết định mạo hiểm mang tính sống còn của doanh nghiệp. Đây là niềm động viên tinh thần lớn nhất giúp tôi có đủ nghị lực vượt qua những sóng gió khi lèo lái con thuyền Văn Lang. Ngoài ra, họ còn là những nhà tư vấn tuyệt vời bên tôi về lĩnh vực quản lý nhờ đã kinh qua những lớp đào tạo chuyên đề chính quy dài hạn hoặc ngắn hạn trong và ngoài nước.

– Tích cực tham gia vào Ban chấp hành các Hội và tham gia nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng, với ông, điều đó có được “tính” vào lợi ích cho công việc kinh doanh ?

Là một doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa, tôi luôn ý thức về các giá trị đạo đức và tinh thần, luôn gìn giữ bổn phận và trách nhiệm công dân gắn với cộng đồng, với đất nước. Mặc dù rất bận rộn, tôi vẫn tham gia vào ban chấp hành các Hội Xuất bản Việt Nam, Hội doanh nghiệp Bình Thạnh, Hội Khuyến học Bình Thạnh, Hội Đồng hương Quảng Ngãi… cũng không ngoài mục đích này. Tôi làm từ thiện cũng đã nhiều năm. Việc làm từ thiện không những là niềm tự hào về lẽ sống tốt đẹp mà còn là nét truyền thống văn hóa của Cty chúng tôi kể từ khi khởi nghiệp. Sau 25 năm hoạt động, Văn Lang nay đã thật sự là một doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành văn hóa, có thể đứng vững trước mọi trở ngại, khó khăn cùng những thách thức khác của thời đại.

Tôi tâm niệm rằng, trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp được xây dựng như một tiêu chí hàng đầu, chữ “Tâm” trong nghề nghiệp sẽ được vun bồi nhiều hơn nữa, lan tỏa rộng khắp cùng với nguồn tri thức, thương hiệu Văn Lang cũng sẽ được công chúng ngày càng tin cậy và đánh giá cao.